Nhà có trẻ em nên nuôi chó gì? Nuôi chó có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh không? Cùng Pet Icon tìm hiểu những giống chó nhỏ dễ nuôi cho gia đình có trẻ em nhé.
Các loại chó cảnh, giống chó hiền dễ nuôi cho nhà có trẻ nhỏ
Tùy vào quan điểm của mỗi gia đình mà việc nuôi thú cưng cùng môi trường sống với trẻ nhỏ là nên hoặc không nên. Giả sử bạn đồng tình với việc cho con nhỏ của mình tiếp xúc với cún ngay từ giai đoạn đầu đời thì đây là những gợi ý về giống chó hiền lành, thân thiện phù hợp với trẻ em nhé.
1. Chó Poodle
Xét về kích thước thì Poodle được xem là một trong những giống chó nhỏ khá phù hợp với trẻ con. Bởi nếu chọn một bé cún có kích cỡ quá to sẽ phần nào khiến các bé sợ sệt và không dám tiếp xúc. Còn nếu bạn chọn những bé cún quá nhỏ thì khả năng các bé vô tình làm tổn thương cún là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và hiển nhiên khi bị đau cún sẽ có những phản ứng, hành động không tốt cho bé như là cắn hoặc cào.
Chưa kể chó Poodle có tính tình cũng khá thân thiện, hiền lành và có thể nói chúng có tính cách vô cùng phù hợp với trẻ con. Bởi với sự hiếu động vốn có của Poodle, việc được thường xuyên chơi đùa, chạy nhảy khiến chúng cảm thấy thoải mái hơn, vui vẻ hơn, giống hệt bọn trẻ phải không các bạn?
Thêm một điểm cộng nhỏ cho các bé Poodle đó là chúng không bị rụng lông quá nhiều so với các giống chó lông xù khác, nên bạn cũng không cần quá lo lắng việc các bé có thể vô tình nuốt nhầm lông chó trong lúc chơi đùa. Mặc dù vậy, việc chăm chỉ grooming, chải chuốt lông cho các bé cún cũng không thể lơ là, như vậy không chỉ giúp cho bộ lông của Poodle được sạch sẽ, khỏe mạnh mà còn đảm bảo vệ sinh cho các bé.
2. Chó Border Collie
Có kích cỡ tương đương với Poodle nhưng nếu so về mặt dịu dàng, đằm tính thì có vẻ các bé Border Collie sẽ nhỉnh hơn Poodle đấy.
Các bé cún này vốn là chó chăn gia súc và được nuôi trong nhà nhằm mục đích bảo vệ đàn gia súc. Dần dần, với tính cách đáng yêu, năng động và vô cùng thông minh thì các bé Border Collie được xem là người bạn trung thành của mọi nhà.
Và như Pet Icon chia sẻ thì Border Collie là giống chó lao động (không phải các em chó cảnh như Poodle) nên các chú cún này không hề kén ăn và môi trường sống. Tuy nhiên, một nơi ở rộng rãi sẽ tạo điều kiện tốt hơn để trẻ có thể thoải mái đùa nghịch với các chú cún bạn nhé.
3. Chó Golden Retriever
Mặc dù Golden có kích thước khá to, tuy nhiên chúng lại được xếp vào top những giống chó lành tính bậc nhất đối với trẻ em. Vì sao? Cùng điểm qua một vài tính cách của bé “chó đần” này các bạn nhé.
Tính cách đầu tiên phải kể đến là sự dễ chịu, hiền hòa và rất rất khó để khiến các bé Golden nóng giận, nhờ vậy mà chúng có thể cảm thấy bình thường với sự tinh nghịch, hiếu động của bọn trẻ.
Thứ hai là sự trung thành, thế nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng để lũ trẻ chơi cùng Golden, bởi chúng sẽ tuyệt đối ưu tiên sự an toàn cho các bé, không kẻ xấu nào dám đến gần đâu.
Và một điểm nữa để nói về tính cách của Golden đó là sự thông minh. Chúng học hỏi rất nhanh và nhờ vậy mà bạn cũng có thể huấn luyện chúng trở thành người bảo vệ thân cận cho các bé nữa đấy.
Tác hại và lợi ích của việc nuôi chó trong nhà có trẻ em
Nhà có trẻ em có nên nuôi thú cưng không và nên nuôi chó gì? Pet Icon nghĩ đây chính là thắc mắc chung đầu tiên của các ông bố bà mẹ khi nghĩ đến việc đưa một bé cún về nhà. Và để trả lời chính xác câu hỏi trên, hãy cùng Pet Icon tìm hiểu ưu và nhược điểm của việc nuôi chó khi nhà có trẻ nhỏ nhé.
1. Lợi ích của việc nuôi chó
➡ Thúc đẩy phát triển thể chất cho trẻ
Những hoạt động ngoài trời như chạy bộ, đi dạo, chơi một số môn thể thao đơn giản hoặc ngay cả việc vọc nước cũng được đưa vào danh sách các việc cần làm để cải thiện và phát triển vấn đề thể chất cho trẻ nhỏ. Và bạn thấy đấy, một chú cún hoàn toàn có thể cùng con của bạn lần lượt làm hết những việc có trong danh sách đó.
Theo một cuộc khảo sát thì trẻ em nuôi chó có sự vận động thể chất nhiều hơn và tốt hơn so với những đứa trẻ không nuôi thú cưng.
➡ Giúp trẻ giảm tình trạng căng thẳng
Đừng nghĩ chỉ có mỗi người lớn mới căng thẳng, trẻ em cũng có đấy các bạn ạ. Nhưng khi căng thẳng trẻ lại không thể nói là “con căng thẳng”, vì các con không hiểu được điều đó nên cũng không biết chia sẻ và giải tỏa cơn căng thẳng như thế nào.
Việc chơi đùa cùng cún cưng lúc này được xem là một trong những cách trị liệu tâm lý hữu hiệu cho các bé, giúp loại bỏ các hormone gây ảnh hưởng đến tâm trạng và dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu ở trẻ nhỏ.
➡ Giúp trẻ tự kỷ cải thiện các kỹ năng xã hội
Từ ưu điểm giảm căng thẳng kể trên thì đương nhiên, thú cưng cũng hoàn toàn có lợi đối với các bé bị tự kỷ, bởi tâm trạng của bé chính là bức tường thành đầu tiên bạn cần bảo vệ và bước qua nếu muốn tiếp xúc với trẻ bị tự kỷ.
Các bé cún bằng một cách nào đó khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn và thoải mái hơn khi tiếp xúc. Chưa kể, đối với những bé cún thông minh có khả năng cảm nhận được cậu chủ nhỏ, cô chủ nhỏ không vui điều gì để ngay lập tức xoa dịu bằng những hành động hết sức đáng yêu. Đấy là lý do người ta hay bảo “chó là người bạn tốt nhất của con người”.
➡ Giúp trẻ rèn luyện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật
Khi được chơi đùa, được chăm sóc và lớn lên cùng một bé cún, trẻ sẽ tự động hình thành cho chính mình một ý thức trách nhiệm và tính kỷ luật cao.
Đây cũng là lý do vì sao ở nước ngoài, họ thường tặng thú cưng, tặng chó cho trẻ con để các bé có thể rèn luyện được tính tự lập cũng như biết yêu thương và chăm sóc động vật hơn.
——-
Nói đến đây chắc bạn đã hườm hườm trả lời được câu hỏi “nhà có trẻ nhỏ có nên nuôi chó hay không” rồi đúng không? Nhưng khoan vội kết luận, cùng Pet Icon tìm hiểu tiếp nhược điểm của việc nuôi thú cưng khi gia đình có trẻ nhỏ nhé.
2. Tác hại của việc nuôi chó
Đương nhiên trong cùng một vấn đề sẽ luôn tồn tại hai hoặc nhiều mặt khác nhau đúng không các bạn? Và việc nuôi chó dù có khá nhiều lợi ích như Pet Icon chia sẻ như trên thì cũng không tránh khỏi các rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể như sau:
➡ Có nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng từ chó
Việc tiếp xúc gần với cún hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ấu trùng, nhiễm ký sinh trùng gây ra các bệnh dị ứng ngoài da, đau bụng, tiêu chảy…
Điều này xảy ra nếu trẻ nhỏ chơi đùa, vuốt ve những chú cún không được xổ giun định kỳ, không được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận hoặc là những chú cún bị bệnh viêm da, bị nhiễm ký sinh trùng… Có nghĩa là, để phòng tránh lây nhiễm bệnh từ cún cưng sang trẻ nhỏ thì bạn cần định kỳ xổ giun cho cả trẻ nhỏ và cho cún theo đúng kỳ. Đồng thời giữ gìn vệ sinh và chăm sóc cún thật cẩn thận.
➡ Có nguy cơ bị cào, cắn
Trẻ con thường sẽ khá hiếu động và nghịch ngợm, chúng có thể vô ý đùa giỡn khiến các bé cún đau và tức giận, dẫn đến việc bị cắn. Hoặc đôi khi vì quá gần gũi và thân thiết với cún nên trẻ có thể đưa tay vào miệng cún và khiến tay bị trầy xước bởi hàm răng sắc nhọn của các bé cún.
Do đó, ngoài việc chọn lựa một bé cún có kích cỡ và tính cách phù hợp, bạn cũng cần dạy cho trẻ giới hạn cũng như cách đề phòng khi chơi đùa cùng thú cưng.
Ngoài ra bạn cũng phải đặc biệt để mắt đến các bé đang trong giai đoạn tập bò, tập đi bởi đây là độ tuổi mà bé tò mò, hiếu kỳ với tất cả mọi thứ nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ bản thân.