Xem ngay kinh nghiệm, cách nuôi dạy chó Husky Sibir như là: cách chế biến thức ăn cho Husky, cách tắm rửa – chải lông – grooming chó Husky và cách huấn luyện chó Husky đơn giản.
Husky là giống chó gì? Nuôi Husky có khó không?
Husky Sibir (Siberian Husky) hay còn được gọi là chó Ngáo Husky bởi biểu cảm trên gương mặt của các bé lúc nào trông cũng ngơ ngơ, rất đáng yêu. Husky thuộc giống chó kéo xe, từ vùng Đông Bắc Siberia nước Nga.
Và bởi Husky xuất thân từ một nơi có khí hậu lạnh giá nên hiển nhiên các bé Husky có bộ lông 2 lớp khá dày để có thể giữ ấm cơ thể. Khác biệt về điều kiện thời tiết là vậy, nhưng Husky vẫn là một trong top 10 giống chó cảnh phổ biến tại Việt Nam.
Thế chó Husky có dễ nuôi không mà lại quá nhiều người chọn lựa “về cùng một nhà” với Husky? Cùng tìm hiểu với Pet Icon nhé.
Hướng dẫn cách nuôi dạy và chăm sóc chó Husky
1. Chó ngáo Husky ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng và thức ăn cho Husky về cơ bản thì cũng không có quá nhiều khác biệt so với các giống chó khác. Tuy nhiên, để Husky có thể phát triển một cách toàn diện từ sức khỏe thể chất đến bộ lông, phom dáng hoặc ngoại hình nói chung thì bạn nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho các bé.
Tùy vào nhu cầu của từng bé Husky trong từng giai đoạn phát triển mà nhu cầu ăn uống sẽ không giống nhau. Pet Icon chia theo từng giai đoạn như sau nhé.
➡ Husky con từ 1 – 2 tháng tuổi
Đây là giai đoạn khá nhạy cảm bởi các bé Husky sơ sinh còn rất yếu, vậy nên bạn phải tuyệt đối cẩn thận khi chuẩn bị thức ăn cho Husky.
Ở tuổi này thì hầu như răng Husky sẽ chưa phát triển, cho nên là bạn chỉ có thể cho các bé ăn cháo loãng nấu cùng nước hầm xương và để bổ sung chất thì bạn có thể kết hợp xen kẽ các cữ sữa. Chẳng hạn, một ngày bạn có thể cho các bé ăn 3 – 4 lần bú sữa mẹ và 1 bữa uống sữa ngoài.
Bạn cần lưu ý là không nên cho Husky ăn các loại thức ăn quá cứng như xương và cũng không nên cho bé ăn quá nhiều. Lý do là vì trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của Husky chỉ đang “tập tành” làm quen với việc tiêu hóa thức ăn chứ chưa thật sự vững chắc đâu bạn nhé.
➡ Husky con từ 2 – 6 tháng tuổi
Với các bé chó Ngáo Husky tầm 2 – 6 tháng tuổi thì bạn cũng sẽ giữ nguyên khẩu phần ăn khoảng 4 bữa trong ngày. Tuy nhiên lúc này hệ tiêu hóa, răng và cả hàm của bé đã bắt đầu phát triển cho nên bạn cho bé làm quen với thức ăn mềm.
Một số loại thực phẩm giàu protein giúp Husky phát triển cơ bắp và bộ lông có thể kể đến là thịt bò, trứng, các loại cá… Tuy nhiên, vì đề kháng và tiêu hóa của Husky cũng chưa thật sự ổn định, vậy nên bạn cần nấu chín thức ăn, không để các bé ăn thực phẩm còn sống nhé.
➡ Husky từ 6 – 12 tháng tuổi
Từ 4 bữa ăn thì ở giai đoạn này bạn nên giảm xuống còn khoảng 3 bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu ăn uống của mỗi bé mà bạn nên cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.
Chẳng hạn, nếu giảm xuống còn 3 bữa thì bạn có thể tăng định lượng thức ăn. Hoặc nếu bạn vẫn giữ 4 bữa ăn thì khẩu phần ăn của Husky nên giảm lại một ít.
➡ Husky trưởng thành từ 12 tháng tuổi trở lên
Đối với các bé chó Ngáo Husky được 1 tuổi trở lên thì khẩu phần ăn được khuyến khích là 2 bữa trong ngày.
Trong giai đoạn trưởng thành, bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho Husky ăn các thức ăn cứng như xương. Ngoài ra, để hỗ trợ bộ lông được bóng mượt hơn, ngoài các loại protein, vitamin có trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bạn có thể cho Husky ăn thêm tầm 2 – 3 quả trứng vịt lộn mỗi tuần nhé.
2. Cách tắm, cắt tỉa lông, grooming chó Husky
Điều tiếp theo bạn cần biết khi nuôi Husky đó là cách chăm sóc lông chó Husky.
Như phần trên Pet Icon có chia sẻ một trong những đặc điểm nhận dạng Husky là bộ lông kép rất dày. Chính vì vậy, nếu bạn lơ là việc tắm rửa, chải chuốt lông định kỳ cho Husky thì khả năng mắc các bệnh viêm da rụng lông là khó tránh khỏi.
Dưới đây là các lưu ý khi cắt tỉa, grooming chó Husky nhé:
- Chải lông Husky 3 – 4 lần trong tuần và trước mỗi lần tắm. Tuy nhiên, nếu đã xác định nuôi Husky thì bạn cần chuẩn bị tinh thần là mọi ngóc ngách trong nhà đều sẽ có lông của Husky, bởi Husky rụng lông quanh năm chứ không chỉ riêng vào mùa thay lông đâu bạn nhé.
- Tắm Husky tắm 1 lần trong tuần. Tần suất tắm cho Husky bạn có thể tăng giảm, tùy vào điều kiện thời tiết hoặc mức độ sinh hoạt, vui chơi của các bé. Chẳng hạn nếu hôm trước bạn vừa tắm sạch sẽ cho Husky nhưng hôm sau bạn lại cho bé chơi ở nơi có bùn đất bẩn thì hoàn toàn có thể tắm lại cho bé nhé.
- Sấy thật khô sau mỗi lần tắm. Bộ lông ẩm ướt chính là điều kiện thuận lợi để nấm và các vi khuẩn gây bệnh phát triển, từ đó dẫn đến các vấn đề liên quan đến lông và da của Husky.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau để biết chính xác tầm quan trọng khi grooming Husky nhé: Grooming là gì? Các bước grooming chó Husky cơ bản.
3. Cách huấn luyện chó Husky
Để quá trình chăm sóc các bé đại ngáo Husky “dễ thở” hơn cho bạn, hãy huấn luyện Husky một cách bài bản ngay từ những ngày đầu nuôi bé nhé.
➡ Huấn luyện Husky đi vệ sinh đúng chỗ
Đầu tiên là việc huấn luyện Husky đi vệ sinh đúng chỗ. Việc rèn Husky đi vệ sinh đúng nơi, đúng chỗ ngay từ đầu thật sự khá quan trọng để các bé hình thành thói quen, từ đó bạn cũng sẽ dễ dàng dạy Husky nhiều thứ hơn.
Tùy vào điều kiện chăm sóc của mỗi người mà bạn có thể chủ động dạy chó Husky đi vệ sinh ở toilet, ở khay vệ sinh hoặc ở công viên… Và dù bạn muốn hướng dẫn, quy định bé đi vệ sinh ở đâu thì cũng hãy nhớ các mẹo mà Pet Icon chia sẻ sau đây nhé.
Một là, hãy đặt Husky ở chỗ mà bạn muốn bé đi vệ sinh và hô khẩu lệnh ghép cùng tên của bé, chẳng hạn nếu bé Husky nhà bạn tên là Nano thì bạn có thể quy định khẩu lệnh là “Nano tè đi” hoặc “ị đi Nano” Bạn lặp đi lặp lại khẩu lệnh ở tất cả những lần đưa bé đi vệ sinh để bé quen dần và ghi nhớ khẩu lệnh. Tại bước này bạn cần lưu ý là, đừng tạo ra quá nhiều khẩu lệnh nhé, bé sẽ rất khó xác định bạn muốn nói gì đấy.
Điều thứ hai là, khi Husky lỡ đi vệ sinh sai chỗ, đừng vội xử phạt bé nhé, bạn hãy giải thích cho bé hiểu chỗ nào mới là chỗ để các bé đi vệ sinh. Nếu trường hợp Husky đi vệ sinh không đúng nơi khá nhiều lần, lúc này bạn hãy sử dụng các hình phạt răn đe nhưng tuyệt đối không bạo lực bạn nhé. Tuy nhiên, có phạt thì phải có thưởng, ở thời gian đầu dạy các bé đi vệ sinh, nếu các bé xuất sắc làm đúng, bạn có thể cho các bé bánh thưởng để khích lệ tinh thần Husky nhen.
Thêm một quy tắc cần nhớ nữa là, nếu Husky đi vệ sinh bậy, bạn hãy dọn thật sạch sẽ chỗ bé vừa làm bậy, để tránh trường hợp bé ngửi được mùi “quen” và lại tiếp tục đi bậy bạn nhé.
➡ Huấn luyện Husky ngồi yên một chỗ hoặc chạy lại phía bạn khi được gọi
Sau khi thành công việc dạy Husky đi vệ sinh đúng chỗ thì các bài tập khác cũng sẽ dễ hơn khá nhiều cho cả bạn và Husky, bởi tất cả đều sẽ dựa trên nguyên tắc khẩu lệnh và thưởng – phạt.
Tùy vào việc bạn muốn dạy Husky là gì mà bạn thiết lập khẩu lệnh khác nhau. Chẳng hạn nếu bạn muốn dạy các bé ngồi thì bạn đặt khẩu lệnh “ngồi”, nếu bạn muốn Husky ngồi im một chỗ thì khẩu lệnh là “ngồi im”. Bạn cần lưu ý là các khẩu lệnh phải ngắn gọn, dễ hiểu và có sự khác biệt rõ ràng để Husky có thể phân biệt được đâu là ngồi và đâu là ngồi im.
Quá trình dạy cho Husky quen dần với khẩu lệnh không thể một sớm một chiều, nên bạn cần khá nhiều sự kiên nhẫn đấy nhé.
Và nguyên tắc khen thưởng, xử phạt cũng cần được thực hiện đúng thời điểm. Ví dụ để Husky phân biệt được như thế nào là hành động “ngồi” và như thế nào là hành động “ngồi im” thì bạn cần điều chỉnh thời gian tặng thưởng cho bé, cụ thể:
- Với khẩu lệnh “ngồi” thì sau khi bé thực hiện đúng lệnh, bạn sẽ ngay lập tức cho bé bánh thưởng hoặc phần quà bất kỳ mà bé thích;
- Còn với khẩu lệnh “ngồi im” thì bạn hãy chờ thêm khoảng 5 giây để Husky thật sự ngồi im trong một khoảng thời gian, sau đó bạn mới phát quà cho bé.
Một mẹo để các bé chó ngáo Husky ngoan ngoãn hợp tác là hãy huấn luyện bé trước giờ ăn, tuy nhiên đừng kéo dài thời gian tập, vì nếu quá đói Husky cũng không có sức tập đâu bạn nhé ^^.
Hy vọng một số gợi ý về cách nuôi chó Husky mà Pet Icon chia sẻ ở trên sẽ hỗ trợ quá trình chăm sóc Husky của bạn được nhẹ nhàng hơn nhé.
Khóa học tại Pet Icon về cách nuôi chó Husky
Hiện tại, Pet Icon đang có các khóa học chăm sóc chó, chăm sóc cún cưng như sau:
➡ Khóa học pet grooming cơ bản Level C: Đây là khóa học dành cho những bạn mới bắt đầu học tập và làm quen với nghề. Bạn sẽ được giảng dạy những kiến thức cơ bản nhất về các loại thú cưng và cách chăm sóc cơ bản cho các bé.
➡ Khóa học pet grooming nâng cao: Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản, bạn có thể đăng ký tham gia khóa học này để giúp bồi đắp thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của mình.
➡ Khóa học pet grooming Level B: Đây là khóa học dành cho những bạn đã hoàn thành khóa học cơ bản Level C. Tại khóa học này, bạn sẽ được bổ sung thêm kiến thức chuyên sâu về các giống thú cưng khác nhau, cách áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn, nâng cao kỹ năng đi kéo. Và đặc biệt hơn bạn sẽ được học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong việc cắt tỉa tạo hình 3D. Kết thúc khóa học bạn sẽ có thể trở thành một groomer chuyên nghiệp hay tiến xa hơn là trở thành một master trong tương lai.
➡ Khóa học pet grooming Level A: Khóa học đào tạo chuyên sâu về Dog Show. Sau khi hoàn thành khóa học, bạn có thể trở thành một người điều khiển, dẫn dắt chương trình Dog show chuyên nghiệp.
Truy cập https://peticon.edu.vn/khoa-hoc để tìm hiểu thêm về các khóa học nhé.
______
Trường đào tạo cắt tỉa thú cưng Pet Icon Việt Nam
- 48 đường số 11, KDC Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh
- 0898 276 008
- pigavietnam@gmail.com
- Master Giang Trịnh – Học viện đào tạo cắt tỉa lông thú cưng Pet Icon